0348 190 190

Tuyệt chiêu chế biến thức ăn dặm cho trẻ không bị mất chất

Hầu hết các bà mẹ hiện nay đều chọn cho con ăn dặm bằng bột tự nấu. Mối lo ngại lớn nhất của họ khi giải pháp này là làm sao để giữ được các chất dinh dưỡng trong quá trình chế biến thức ăn. Những mẹo nhỏ sau sẽ giúp bạn yên tâm phần nào với sự lựa chọn này.

Muốn có nguyên liệu tươi ngon, mẹ phải chịu khó dậy sớm đi chợ. Đối với rau củ, dù là loại mua ở siêu thị có đóng dấu đảm bảo rau sạch hay rau mua ở chợ về đều có nhiều chất bẩn bám bên ngoài có thể mang vi khuẩn. Do đó, mẹ cần phải rửa rau thật sạch và ngâm qua nước muối để diệt khuẩn trước khi đem nấu. Tuy nhiên, các vitamin B, C và khoáng tố có trong rau củ lại rất dễ bị rửa trôi theo nước. Vì thế, trước khi đem ngâm nước muối, mẹ nên rửa trực tiếp rau củ dưới vòi nước chảy mạnh để rửa trôi các chất bẩn.

Sau khi đã có rau rửa sạch, mẹ mới đem cắt nhuyễn rau. Cách làm này cũng được thực hiện tương tự với các loại củ quả khác nhằm giữ được các dưỡng chất quan trọng.

Nếu bạn đủ tin tưởng loại rau củ mình mua về đủ an toàn, bạn có thể dùng luôn vỏ để chế biến vì hầu hết với củ quả, dinh dưỡng tập trung nhiều ở phần vỏ.

Khi chế biến thức ăn, bạn nên cho rau vào sau cùng vì các dưỡng chất rất dễ bốc hơi trong lúc bạn nấu. Khi rau đã chuyển màu chín, bạn nên tắt bếp ngay. Đối với củ quả, bạn có thể cho vào sớm hơn vì chúng cần thời gian nhiều hơn để đạt độ mềm.

Không để sữa sôi quá lâu

Khi làm món súp cho trẻ ăn, bạn thường thêm sữa vào nấu cùng với các loại củ khác. Tuy nhiên, khi sôi, các protein trong sữa rất dễ bị phân hủy và các vitamin trong củ quả cũng dễ bị bốc hơi. Để cải thiện tình trạng này, bạn nên luộc mềm các loại củ trước trong nước. Sau đó, bạn đun sôi sữa lên và cho các thành phần còn lại vào nồi. Đun nhỏ lửa khoảng 2 – 3 phút, bạn tắt bếp ngay để đảm bảo dinh dưỡng cho món súp.

Không nấu thịt, cá ở nhiệt độ cao

Chất đạm trong các loại thịt, cá nếu được nấu ở nhiệt độ cao sẽ giảm đi đáng kể và gây ra chứng khó tiêu. Đồng thời các chất đường, chất béo cũng trở nên độc hại. Do đó, bạn hãy chịu khó canh lửa nhỏ và nấu đến khi thịt, cá mềm. Hoặc, bạn có thể hấp cách thủy để làm chín thực phẩm nhằm bảo toàn dinh dưỡng ở mức độ nhất định.

Thức ăn được bọc trong túi nylong và rút chân không trước khi nấu theo kỹ thuật sous-vide.

Cách khác, bạn có thể tham khảo kỹ thuật nấu sous – vide (nấu ở nhiệt độ thấp và môi trường chân không) được các đầu bếp hiện nay trên thế giới áp dụng. Cách làm chín thực phẩm này vừa giúp món ăn ngon hơn vừa không hề làm hao hụt dưỡng chất. Tuy hơi mất thời gian nếu áp dụng, nhưng bạn có thể khắc phục bằng cách nấu một lần và bảo quản kín trong túi nylon thực phẩm trước khi cho vào tủ đông. Đến khi cần dùng, bạn chỉ cần hâm nóng lại mà không sợ thức ăn bị biến chất.

Những cách chế biến không phù hợp cho trẻ ăn dặm

Thức ăn chiên, rán không phù hợp với trẻ ăn dặm.

Thức ăn quá nhiều dầu mỡ, được nấu với nhiệt độ cao có thể sinh ra nhiều độc tố và khiến trẻ ăn dặm bị chướng bụng. Vì thế, cách này không nên áp dụng để chế biến thực phẩm cho bé ăn dặm.

Luộc và hầm

Tuy không phải dùng quá nhiều dầu mỡ, nhưng dưỡng chất sẽ bị hao hụt rất nhiều khi nấu theo cách này. Nếu áp dụng, bạn nên tính toán thời gian chế biến và thời điểm cho các loại nguyên liệu vào để đảm bảo dinh dưỡng cho bé. Khi buộc phải hầm, bạn nên tận dụng lại nước hầm để cho bé ăn cùng.

Nướng và rang

Thực phẩm khi nướng hoặc rang có thể được làm chín cho đến khô. Khi thức ăn quá khô sẽ không phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ. Một phần cháy xém bên ngoài khi thực hiện cách chế biến này còn gây hại cho sức khỏe của bé. Nếu áp dụng, bạn nên chọn củ quả và chỉ dùng phần chín bên trong để cho bé ăn.

Yeutre.vn (Tổng hợp)